Dân gian có câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” hay câu “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ/ Cành mai vàng bên cành đào tươi”… những hình ảnh đó từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào trong tâm thức của người Việt khi Tết đến xuân về. Trời đất giao hòa ngập tràn sắc xuân, trên mọi miền của dải đất hình chữ S từ thôn quê đến thành thị lại nhộn nhịp náo nức sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền tươm tất, đầy đủ.
Bánh chưng – món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết để dâng lên cúng ông bà tổ tiên. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ, thịt gà, giò lụa… ông bà cùng con cháu thành kính thắp hương trước bàn thờ gia tiên, báo cáo với ông bà, tổ tiên những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc những việc chưa hoàn thành và niềm hy vọng về một năm mới thuận lợi, bình an…
Tại sao bánh chưng lại luôn song hành với dưa hành?
Chúng ta thường nghĩ rằng, bánh chưng dưa hành ngày Tết là 2 món ăn cổ truyền nên mâm cơm Tết không thể thiếu chúng. Mà không mấy ai nhận ra lý do thật sự khiến 2 món ăn này không thể tách rời nhau.
Lý giải vấn đề này, xét về mặt dinh dưỡng tuy bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chất bột đường (gạo nếp), nhóm chất đạm (đỗ xanh), nhóm chất béo (thịt lợn), nhóm vitamin và khoáng chất (hành củ; hạt tiêu…). Nhưng tỷ lệ dinh dưỡng lại chưa cân đối và loại bánh này lại thiếu chất xơ.
Do đó để đảm bảo dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cần bổ sung loại thực phẩm này để giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể.
Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành sẽ giúp gia tăng hương vị của các món ăn khác. Đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid và chất béo… như bánh chưng, bánh tét.
Ẩm thực của người dân Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị vì thế đi kèm với sự đậm đà và ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ… không thể thiếu món dưa hành, củ kiệu hay dưa món thanh thanh và chua mát.
Có nên ăn nhiều bánh chưng và dưa hành không?
Mặc dù là sự kết hợp hoàn hảo và là món ăn được người người nhà nhà yêu thích, song nhiều người thắc mắc có nên ăn nhiều món ăn này không?
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, bạn không nên ăn quá nhiều bánh chưng, bánh tét với dưa hành, củ kiệu. Bởi lượng đạm và lượng muối trong 2 loại thực phẩm có thể sẽ gây hại cho sức khỏe bạn như tăng tiết dịch vị axit dạ dày, dễ bị đầy bụng, ợ chua và khó tiêu…
Lượng dinh dưỡng, chất đạm, chất béo hay muối quá cao trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tim mạch… Do vậy, trong những ngày Tết, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn nhiều đồ béo, đồ ngọt để cơ thể luôn được khỏe mạnh, vui chơi trong dịp Tết.
Như vậy, bánh chưng dưa hành ngày Tết là một cách kết hợp đơn giản được lưu truyền từ xa xưa. Chúng ta có thể thấy được nét đẹp văn hoá ẩm thực không chỉ là hài hoà về màu sắc mà còn là sự kết hợp tuyệt vời để bảo vệ sức khoẻ.